Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Cứ teo tóp dần

            .
-          Theo bác, cơn giông lốc vừa rồi ở Hà Nội tương đương với bão cấp mấy?
-          Lúc đấy tôi chúi đầu trốn trong bếp nên không rõ. Hôm sau thấy báo chí đưa tin gãy đổ hơn một nghìn cây, tôi rợn hết cả tóc gáy.
-          Ấy vậy mà giữa lúc gió bão cuồng nộ như vậy, tại ngã tư phố Tạ Hiện có một ông Tây tất tả xuôi ngược giúp đỡ người dân không bị gió thổi ngã.
-          Mỗi trường hợp như thế ông ta được trả bao nhiêu tiền?
-          Tiền nào, tình nguyện thôi. Thấy nhiều người đi xe máy bị gió xô ngã dúi dụi, ông ta liền viết vội dòng chữ kêu gọi mọi người đi chậm lên tấm bìa cát- tông cắm ở ngã tư. Sau đó ông Tây xông pha dưới mưa gió dẫn người già, trẻ em qua đường.
-          Ông ta làm vậy chắc muốn được lên báo, muốn được nổi tiếng.
-          Bác không nên nói thế. Ông Tây này chỉ sang du lịch có vài ngày, nổi tiếng để làm gì. Tất cả xuất phát từ cái tâm của một con người thôi.
-          Tôi đặt ra nhiều nghi vấn thế là bởi từng chứng kiến nhiều trường hợp tương tự. Trong khi người nước ngoài lo cho chúng ta, thì bản thân người Việt mình lại ngoảnh mặt làm ngơ. Thậm chí, thấy người qua đường bị ngã xe, nhiều kẻ còn bưng miệng cười, còn xông vào cướp đồ rơi vãi.
-          Theo bác, nguyên nhân nào khiến người Việt thờ ơ với số phận đồng bào mình như vậy?
-          Tất cả từ giáo dục mà ra. Trên dưới, phải trái, trắng đen cứ lộn tùng phèo nên sự lương thiện trong mỗi con người cứ teo tóp dần là lẽ đương nhiên.

Cận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét