Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Khổ với thực phẩm bẩn



            
-          Chừng này tuổi rồi tôi mới thấm thía câu “lắm thầy nhiều ma” bác ạ.
-          Cái gì khiến bác nghĩ thế. Tôi tưởng có càng nhiều người tham gia thì sẽ tốt hơn chứ?
-          Về lí thuyết thì thế. Việc chỉ tốt hơn nếu số đông đó chung một ý chí, cùng một mục tiêu. Còn khi có sự mâu thuẫn nhau về nghĩa vụ, quyền lợi thì sẽ chẳng làm được gì cả, có khi còn phá hỏng đại cuộc.
-          Bác nói to tát quá, tôi chẳng hiểu gì cả. Thử cho ví dụ xem nào?
-          Chẳng hạn như đối với miếng thịt lợn mà có tới ba Bộ quản khiến cho ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ riêng các loại phí đã khiến loại thịt này bị đội giá rất nhiều.
-          Thì họ phải quản qua nhiều tầng nấc thế mới có được miếng thịt sạch để bác xơi hàng ngày chứ.
-          Được thế thì nói làm gì. Đằng này thịt bẩn lan tràn khắp chợ từ phố đến quê, khiến ai cũng hãi hùng, ngày đêm thon thót lo bệnh tật.
-          Đúng thế thật. Có miếng thịt cỏn con mà sao lắm cơ quan quản lí thế nhỉ?
-          Này nhé, khi con lợn còn ở trong chuồng thì thuộc quyền Bộ NN&PTNT, khi xẻ thịt vào chợ lại thuộc Bộ Công Thương. Còn để kiểm tra độ bẩn của miếng thịt lại do Bộ Y tế.
-          Nếu có sự phân công rạch ròi thế thì miếng thịt phải sạch bong, sao có thể gây ngộ độc được.
-          Vấn đề là vẫn có nhiều quãng hở khiến chức năng của đơn vị này lại chồng chéo với trách nhiệm của đơn vị kia nên khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng không biết đằng nào mà lần.
-          Mỗi khi như vậy, tôi còn thấy họ đổ trách nhiệm cho nhau rất ác. Sao chúng ta không qui về một mối nhỉ?
-          Có ai chịu nhường quyền lợi cho ai đâu. Nếu không sớm cải cách bộ máy, qui trách nhiệm rõ ràng cho các Bộ, người dân nước mình còn khổ với nạn thực phẩm bẩn.
Cận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét