Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

Phải dựa trên hồn cốt dân tộc



           
-          Kể cũng kì quặc bác nhỉ. Ai đời, bộ cánh mà một thí sinh đi dự hoa hậu quốc tế bị người dân trong nước ném đá tả tơi, khi ra thế giới lại được bình chọn là Trang phục dân tộc đẹp nhất?
-          Mỗi nơi quan niệm về cái đẹp mỗi khác. Với người này là đẹp thì đối với người khác lại là xấu. Chuyện bình thường mà.
-          Nhưng cũng không thể có quan niệm đối lập nhau một trời một vực như thế?
-          Thực ra, bộ trang phục này rất đẹp. Nó là công sức vất vả và tốn kém của nhiều người. Tuy nhiên, chỉ vì nó được ai đó gắn với từ Quốc phục nên người dân bất bình thôi.
-          Đúng thế. Đất nước mình còn nghèo. Người dân chuộng sự tiện lợi, đơn giản. Không hiểu trong cuộc sống đời thường, người ta sẽ xoay trở ra sao với bộ trang phục nặng tới 45 kg nhỉ?
-          Bác chớ nên nhầm lẫn giữa trang phục biểu diễn với trang phục đời thường. Bộ trang phục này là cả một công trình nghệ thuật. Chính vì thế nó mới được thế giới đánh giá cao.
-          Tôi lại nghĩ khác. Nghệ thuật nào thì cũng phải gắn với cuộc sống, phục vụ cuộc sống. Cần gì phải rườm rà thế, cứ sáng tạo từ tà áo dài truyền thống là được rồi. Tuy chưa được coi như Quốc phục, nhưng nó được người dân cả nước thừa nhận và tôn vinh.
-          Nhưng cuộc thi nào cũng mặc áo dài sẽ khiến mọi người nhàm chán. Phải thay đổi cho phù hợp với trào lưu thời đại chứ?
-          Ai cấm nhà thiết kế và người đẹp thỏa sức sáng tạo đâu. Nhưng khi đã đại diện cho đất nước “mang chuông đấm sứ người” thì mọi sự sáng tạo phải dựa trên hồn cốt dân tộc. Có thế người dân mới ủng hộ, không phê phán, bác hiểu chưa.
Cận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét